Kinh Danh Thanh Chua Giesu

KÍNH DANH THÁNH CHÚA GIÊSU

LỄ NHỚ

Play
Pause

KÍNH DANH THÁNH CHÚA GIÊSU

         Có thể nói lòng tôn kính Danh thánh Chúa Giêsu đã xuất hiện ngay từ những thế kỷ đầu tiên của Hội Thánh. Các chứng tích trong các tác phẩm của các giáo phụ đã nói lên điều đó. Và sự việc đã trở nên rầm rộ từ thời Trung Cổ. Sự phát triển việc tôn kính Danh Chúa Giêsu nằm trong bối cảnh của phong trào sùng kính nhân tính của Người, chú ý đến việc chiêm ngắm cuộc đời của Chúa Cứu thế, từ lúc Nhập thể, đến lúc Giáng Sinh, thời thơ ấu, lúc giảng đạo cũng như cuộc Thương Khó, với những cảnh tượng đau thương trên Thập giá. Các nhà thần học và giảng thuyết đã để lại nhiều văn phẩm giải thích ý nghĩa danh Giêsu là Chúa Cứu Chuộc, và từ đó, nhiều lời kinh được sáng tác để cầu xin Người cứu chữa chúng ta khỏi tội lỗi, và các sự dữ.

Cách riêng, Thánh Bênađô dựa theo sách Diễm Ca, đã nói đến “Danh Người như dầu tỏa lan” để giải thích các công hiệu của việc suy gẫm và kêu cầu Danh thánh, đó là nó có sức chiếu sáng nhờ đức tin, có sức nuôi dưỡng tinh thần mỗi khi chúng ta nhớ đến, và có sức chữa trị mỗi khi chúng ta kêu cầu. Không lạ gì mà một bài thánh thi “Jesu, dulcis memoria” được gán cho Thánh Bênađô.

Sang thế kỷ XIII, với sự ra đời của hai dòng Đaminh và Phan sinh, việc tôn kính danh Chúa Giêsu được phổ biến trong dân gian nhờ công cuộc giảng thuyết, cách riêng kể từ sau công đồng Lyon năm 1274. Công đồng này truyền phải tỏ lòng tôn kính đối với danh Chúa Giêsu, một cách cụ thể hơn trong phụng vụ phải cúi đầu khi đọc danh cực trọng này. Đức Thánh Cha Grêgôriô X đã ủy thác cho Chân Phước Gioan Vercelli, tổng quyền dòng Đaminh việc chấp hành lệnh của công đồng nhờ các tu sĩ giảng thuyết và cổ động tập tục đó. Dù sao, các nhà giảng thuyết – Đaminh cũng như Phan sinh – không chỉ khuyến khích các tín hữu cúi đầu khi nghe danh thánh Giêsu, nhưng còn cổ động lòng yêu mến danh thánh qua việc khắc tên thánh Giêsu trên thân mình, trên cửa nhà, trên các tường thành, dưới ký hiệu JHS – ba chữ đầu tiên trong tiếng Hy-lạp Jesus nhưng được tán ra tiếng La-tinh là viết tắt của “Jesus hominum salvator” (Giêsu cứu chuộc nhân loại). Trong số những nhà giảng thuyết thời danh phải nhắc đến Thánh Bernardinô Siena (1380-1444). Bên cạnh việc tôn kính qua cử chỉ cúi đầu hoặc khắc tên thánh, nhiều kinh đọc cũng được sáng tác, đứng đầu phải kể Kinh cầu kính Tên Chúa Giêsu.